Chúng ta có gì để nói – Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic)
Nội dung bài viết
Chúng ta có gì để nói – Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic)
Nhà tù Hỏa Lò
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời.
Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.”…
Có thể nói rằng, lịch sử không đơn giản chỉ là một bộ môn bắt buộc trong trường học; lịch sử là cách ta tiếp cận gần hơn, hiểu biết sâu hơn, cái nhìn “lạ” hơn về quá khứ, các giai thoại, những bài học và lòng tự tôn dân tộc.
Vậy, chúng ta có gì để nói – Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic)?
Tổng quan chung về Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) ở địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội.
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Vị trí mặt bằng của nhà tù nằm trọn trên mảnh đất hình thang thuộc thôn Phụ Khánh.
Đối diện với nhà tù về phía đông là toà án, phía tây nam giáp phố Thợ Nhuộm, phía tây giáp phố Richaud (ngày nay là phố Quán Sứ), phía bắc giáp với đường Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng).
Tổng diện tích Nhà tù Hỏa Lò hay Nhà tù Trung ương và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908m2. Ước tính chi phí xây dựng toàn bộ công trình là 1.212.434 đồng Đông Dương.
#HoaLoFACT những cái nhìn chân thực, mới lạ
Gang tay đấm bốc – “Bao cát” tù nhân
Đây là những cụm từ khiến độc giả đọc lên thấy rùng mình, rợn gáy. Găng tay boxing là thứ mật thám Pháp dùng tra tấn tù chính trị ở các đồn, bốt, Sở mật thám.
Khi tra tấn tù nhân, mật thám dùng dây điện treo ngược tù nhân lên, để tù nhân bị treo lơ lửng như bao cát, đồng thời chúng đeo găng tay đấm bốc đấm liên tục lên cơ thể người tù cho tới khi họ ngất xỉu, người mềm nhũn mới cho thả xuống.
Những chiếc ba toong thô sơ khiến chị em mất khả năng sinh đẻ
…Hơn nỗi đau thông thường
Nhục hình em nếm trải
Để lại điều mãi mãi
Tiếng hát giữa đêm dài…
Phòng giam đặc biệt
Tại Nhà tù Hỏa Lò có một phòng giam rất đặc biệt: Phòng giam phụ nữ có con nhỏ phải vào ở tù cùng với mẹ.
Phòng có diện tích khoảng 30m2; được dựng 2 dãy sạp bằng gỗ lim làm chỗ nằm cho tù nhân; cuối phòng có một thùng gỗ dùng cho việc vệ sinh của tù nhân.
Trung bình mỗi phòng, thực dân Pháp giam khoảng 20 người; cá biệt có thời kì giam tới hơn 30 người chưa kể trẻ nhỏ. Với số lượng tù nhân đông như vậy nên trong phòng giam luôn thiếu không khí. Cuộc sống trong tù đối với người lớn đã rất cực khổ, với trẻ nhỏ khó khăn gấp bội phần.
Các cháu nhỏ không hề có khẩu phần ăn riêng, không được phát cơm, đồ ăn do người lớn san sẻ; có những em bé vừa lọt lòng, mẹ không có sữa, lại không được phát cháo, không được nhận đồ tiếp tế từ gia đình gửi vào, sức khỏe của các em rất yếu, đứng trước ranh giới sinh tử.
Phải tắm lúc 5h sáng trong tiết trời mùa đông dưới 10 độ C
“Ở Hỏa Lò, thời gian đầu năm 1943 trở đi, do số lượng tù nhân đông trên 500 người, nước sinh hoạt bị hạn chế, mỗi người chỉ có 3 gáo dừa nước, làm sao đủ tắm giặt? Vì vậy phải đấu tranh đòi tăng số lượng nước.
Nhưng bọn cai quản tù nhân rất đểu và cũng rất dã man, đồng ý cho tăng nước nhưng buộc tù nhân phải tắm vào lúc 5 giờ sáng trong điều kiện giá rét mùa đông trên dưới 10 độ C.
Nếu không tắm thì chúng cắt nước. Ban Sinh hoạt Nhà tù quyết định phải giữ lấy thành quả này bằng cách chọn những anh em tù nhân khỏe, trẻ, chịu đựng được rét cóng tận xương đi tắm đúng giờ quy định.
Qua một thời gian, do không quen thời tiết, khí hậu, lại tắm vào mùa đông giá rét; nhiều anh em chúng tôi bị cảm lạnh, sốt cao nhiều ngày. Chúng tôi được đưa vào bệnh xá; một y sỹ người Pháp xác định chúng tôi bị thương hàn; song chúng cũng chẳng chữa trị gì ngoài vài viên thuốc gì đó.
Chúng tôi vẫn sốt triền miên, bất tỉnh. Nhiều anh em nằm cùng giường với tôi hoặc các giường bên cạnh lần lượt ra đi khiến tôi rất lo ngại và cảm thấy khó có ngày trở về”. – Trích Hồi ký: Nhớ lại một thời không bao giờ quên của Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh.
Vậy nhưng, tại đây lại có “thần dược” cứu các chiến sỹ từ tay thần chết trở về
Với các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò; quả bàng là “thần dược”, là nguồn “vitamin”, “thuốc bổ hồi sinh”. Bàng cứu các chiến sỹ từ tay Thần Chết trở về.
Quả bàng chín chỉ được dùng để bồi dưỡng cho những đồng chí đau ốm; cần sớm phục hồi sức khỏe. Mỗi ngày được ăn chừng 4 đến 5 quả bàng chín cả vỏ lẫn nhân; cộng thêm chút giá được làm từ đậu xanh; nhiều người đau yếu lâu ngày đã dần dần hồi phục.
Từ quả bàng rụng xuống; được ấp iu, che chở trong đất nơi ngục lửa, một nguồn sống mới lại nảy lộc, đâm chồi.
Chẳng sai khi nói rằng; rất nhiều tù chính trị nhờ Bàng mà nuôi thêm hy vọng. Giữa chốn lao tù không biết đến ngày mai; ngắm nhìn những cây bàng cứ hiên ngang đứng vững, khỏe mạnh, tốt tươi khiến các chiến sỹ thêm kiên tâm, bền chí.
Và những điều phi thường, sưởi ấm tinh thần các chiến sỹ
** Bài viết tham khảo từ hoaloprisonrelic
*** Nguồn ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic
Tác giả: Lê Kim
Tìm hiểu thêm:
- Giải khát mùa hè – Top 5 món tráng miệng độc đáo và đơn giản
- Hà Giang mùa hoa cúc cam nhuộm miền cao nguyên đá
- Mù Cang Chải resort, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
- Hang Tiên Nữ tại Văn Chấn, Yên Bái – Vẻ đẹp hoang sơ và ngỡ ngàng
- Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – du lịch trọng điểm của Hà Giang
- Hố sụt Mèo Vạc giữa lòng Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang – Địa điểm check in chỉ dành cho những người thích mạo hiểm
2 thoughts on “Chúng ta có gì để nói – Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic)”