Du lịch Việt Nam sẽ hồi sinh từ cuối năm 2021
Du lịch Việt Nam sẽ hồi sinh từ cuối năm 2021
Hiện nay trên thế giới nói chung và toàn Việt Nam nói riêng, đại dịch COVID-19 không chỉ kéo dài mà diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh tế – xã hội mà du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là đợt dịch thứ 4 này là một cú đánh chí mạng cho du lịch nội địa đang lao đao trước đó.
Từ giữa năm 2019 đến nay, cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa đều bị đình trệ, hầu hết các hoạt động du lịch khác cũng đóng cửa khiến cả người lao động trực tiếp lẫn gián tiếp trong ngành không có thu nhập, thậm chí thất nghiệp cũng là điều dễ hiểu; các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cũng phải đóng băng, giải thể… Thực sự có thể nói rằng du lịch đã chạm tới đáy cùng. Dù là tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu, nhưng có lẽ đây chính là giai đoạn khó khăn hơn cả với ngành du lịch Việt Nam.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã đưa ra rất nhiều đề xuất, giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn cho ngành du lịch. Theo lẽ đó, trước hết phải kể đến sự kiện vào tháng 12 sắp tới. Trên tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, cùng ngành du lịch Việt Nam, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục – Quốc hội sẽ tổ chức hội thảo quan trọng “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” tại tỉnh Nghệ An hoặc Hà Nội tuỳ theo tình hình dịch bệnh.
Đây sẽ là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đơn vị hoạt động, tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế,… trao đổi, đánh giá các vấn đề, những cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam, nhất là giai đoạn sau Covid. Trên những cơ sở đó, đưa ra những định hướng và giải pháp kịp thời để kiến nghị với Quốc hội có những chính sách bứt phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Hội thảo sẽ diễn ra với các phiên chuyên đề khác nhau được thực hiện dưới hình thức tương tác giữa các diễn giả gồm các cơ quan thuộc Quốc hội, các đại biểu và các khách mời tham dự cùng nhau thảo luận đồng thời đề xuất các định hướng phục hồi, chính sách pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất có thể cho ngành du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và không quên phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy những khó khăn đối với du lịch còn rất nhiều, nhưng không dừng lại ở việc tổ chức hội thảo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất giảm tiền thuế đất hay giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành.
Đặc biệt, phương án thí điểm đón khách quốc tế đầu tiên bắt đầu từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tại hòn đảo lớn nhất Việt Nam – Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng đã sẵn sàng, được thống nhất với UBND của vùng và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý. Phú Quốc sẽ đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine theo quy trình khép kín và khách sẽ nghỉ dưỡng và trải nghiệm dịch vụ tại khu vực lưu trú riêng biệt.
Cho đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc thí điểm này đang dần được hoàn tất và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các bên có liên quan, quảng bá để thông qua trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất. Từ đó đánh giá mức độ hiệu quả, điều chỉnh lại mô hình thí điểm sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hết mức có thể.
Nếu mô hình này gặt hái được nhiều thành công, chắc chắn sẽ nhân rộng thí điểm ra một số điểm đến khác có thể đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong tương lai không xa, dự kiến từ tháng 6.2022 với điều kiện cho phép sẽ tiến hành mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh cũng được kiểm soát phần nào, du lịch đang từng bước phục hồi. Như ai ai, du lịch cũng đang ngóng chờ thẻ xanh, chờ hướng dẫn và sẵn sàng các kế hoạch mở cửa ngay khi quy trình đi lại được thống nhất. Với cách tiếp cận mới, xác định sống chung với dịch bệnh, một số nơi cũng đang chủ động xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch giúp hoạt động du lịch nội địa hồi sinh.
Không ngoại lệ, với sự tham gia của tất cả các Sở, ngành địa phương, Quảng Ninh cũng đang thực hiện phương châm an toàn đến đâu, mở cửa du lịch đến đó. Vịnh Hạ Long đã bắt đầu đón khách trở lại được vài ngày và đạt được số lượng khách nhất định (ngày 4/10 vừa qua có hơn 600 khách tham quan vịnh).
Tiếp đến tín hiệu tích cực từ tỉnh Đà Nẵng, theo lộ trình tới tháng 12 năm nay Đà Nẵng sẽ mở lại các dịch vụ du lịch tại chỗ cho người dân khi phủ vaccine 80% dân số, đạt tiêm đủ 2 mũi đồng thời không chủ quan, các cơ sở du lịch, dịch vụ, phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch.
Tỉnh Khánh Hòa cũng vậy, xác nhận sẽ dự kiến mở cửa du lịch nội tỉnh từ ngày 15 trong tháng 10 này. Thực hiện chủ trương mở cửa từng bước, không vội vàng, khi Chính phủ thông qua việc đón khách quốc tế, chủ trương sẽ cho ba đơn vị Vinpearl, Vietjet và Vietravel thực hiện việc đón khách và trước mắt là đón các chuyên gia nước ngoài đến, khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, cách ly.
Có thể nói ngành du lịch Việt Nam lúc này đang sẵn sàng hồi sinh hơn bao giờ hết. Việc đón khách du lịch có “hộ chiếu vaccine” được cho là một trong những bước đi tiên phong mở cửa đúng hướng. Để phục hồi đồng thời phát triển vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn một cách bền vững hơn, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ UNWTO thông qua các sáng kiến, hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo của UNWTO.
Mặc dù sẽ phải cần thêm rất nhiều thời gian để trở về trạng thái ban đầu nhưng niềm tin du lịch sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong những năm sắp tới và nó sẽ tiếp tục được duy trì.
Tác giả: Phạm Hường
Đọc thêm: